Lịch sử hình thành Sư_đoàn_1_Bộ_binh_Quân_lực_Việt_Nam_Cộng_hòa

Sư đoàn 1 Bộ Binh được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1955 tại Huế, với danh xưng ban đầu là Sư đoàn 21 Bộ binh (Nghị định số 012-QP/NĐ ngày 17 tháng 1 năm 1955 và Sự vụ văn thư số 474/TTM/1/1/SC ngày 27 tháng 1 năm 1955) do Trung tá Lê Văn Nghiêm làm Tư lệnh đầu tiên.[1]

Ngày 1 tháng 8 năm 1955, Sư đoàn 21 Bộ binh đổi tên là Sư đoàn 21 Dã Chiến, ngày 1 tháng 10 năm 1955 lại đổi thành Sư đoàn 1 Dã chiến (Sự vụ văn thư số 3975/TTM/1/1/SC ngày 17 tháng 9 năm 1955)

Cuối năm 1958, Bộ Tổng tham mưu Quân Lực Việt Nam Cộng hòa tái tổ chức các Sư đoàn Dã chiến 1, 2, 3, 4 và 6, các Sư đoàn Khinh chiến 11, 12, 13, 14, 15, 16 thuộc Quân đội Quốc gia thành 7 Sư đoàn Bộ binh, gồm Sư đoàn 1, Sư đoàn 2, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 21, Sư đoàn 22Sư đoàn 23. Mỗi sư đoàn với quân số 10.500 quân nhân.

Ngày 1/12/1958, Sư đoàn 1 Dã chiến chính thức với tên gọi Sư đoàn 1 Bộ binh gồm các Trung đoàn trực thuôc: 1, 2 và 3.

Ngày 16 tháng 7 năm 1966, sau khi xác nhận các đơn vị và quân số của đối phương, Liên quân Việt-Mỹ mở cuộc hành quân Lam Sơn 289 hay chiến dịch Hastings gồm 5 Tiểu đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn 1 Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, 5 Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, 1 Tiểu đoàn đổ bộ Đặc biệt thuộc Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tại khu vực tây nam sông Bến Hải. Tổng lực lượng có quân số lên đến 16.000 quân tham chiến trên mặt đất, cùng hàng trăm trực thăng và máy bay hỗ trợ. Tất cả lực lượng Quân Lực Việt Nam Cộng hòa tham chiến lẫn yểm trợ đều đặt dưới sự điều động của Quân đoàn I Việt Nam Cộng hòa do Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy. Đại tướng Westmoreland chỉ huy quân Mỹ cung cấp toàn bộ hỏa lực pháo binh, hỏa lực hải quân và không quân tại Quảng Trị cho chiến dịch này. Đây là cuộc hành quân quy mô lớn đầu tiên tại chiến trường Quảng Trị.

Ngày 21/7/1966, Quân đội Nhân dân Việt Nam điều động Sư đoàn 324B cùng với Lữ đoàn Giới Tuyến vượt sông Bến Hải tăng viện cho các đơn vị đang tham chiến chống lại cuộc hành quân của QLVNCH và Quân lực Hoa Kỳ đang tấn công các Tiểu đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam cố thủ tại các vị trí. Ngày 30/6/1966, 30 phi tuần B-52 xuất phát từ đảo Guam ném bom dọc khu Phi Quân sự (DMZ), liên tục ném hàng trăm tấn bom vào đội hình phòng ngự của quân đối phương, gây thương vong lớn. Sau 19 ngày chiến đấu từ 16/7 đến 3/8/1966, cuộc hành quân kết thúc. Phía Hoa Kỳ tuyên bố có khoảng 700 quân đối phương tử trận, 17 bị bắt, 142 vũ khí cá nhân và vũ khí cộng đồng bị tịch thu, phía Liên quân Mỹ-Quân Lực Việt Nam Cộng hòa tổn thất 147 tử trận và khoảng 600 bị thương.

Ngày 14/9/1966, TQLC Hoa Kỳ phối hợp với Sư đoàn 1 Bộ binh mở chiến dịch Prairie nhằm thanh tảo toàn bộ khu vực Phi Quân sự, 1 ngày sau, Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm số 3 Hoa Kỳ huy động 12.000 lính Thủy quân lục chiến khởi động chiến dịch Deck House Quage phối hợp với 11.000 quân Mỹ-Việt Nam Cộng hòa đang thực hiện chiến dịch Prairie, truy quét các lực lượng đối phương từ Cửa Việt đến tây nam sông Bến Hải, buộc các đơn vị đối phương phải rút qua phía bên kia khu vực vĩ tuyến 17. Phía nam sông Bến Hải, toàn tuyến phòng thủ trước ngày 16/7 được khôi phục hoàn toàn.

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1967, Trung đoàn 2 Bộ binh cùng với TQLC Hoa Kỳ tham gia một loạt các trận đánh lớn ở vùng Phi Quân sự (DMZ) phản công lại cuộc tiến quân vượt qua vĩ tuyến 17 của Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 của Quân đội Nhân dân Việt Nam được sự yểm trợ của pháo tầm xa đặt ở Vĩnh Linh, phía Bắc vĩ tuyến 17. Tại các khu vực Gio Linh, Cồn Thiện, Cồn Tiên, Trung Lương chứng kiến những trận chiến ác liệt giữa 2 phe tham chiến. Các đơn vị tham chiến đã gây thiệt hại lớn cho quân tấn công nhờ sự yểm trợ hùng hậu của pháo binh mặt đất trong đó có các pháo đội 175 ly đặt ở Cam Lộ và Đông Hà, hải pháo và máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ.

Tết Mậu Thân năm 1968, Trung đoàn 3 cùng với các Tiểu đoàn 1/1, 2/1, 2/2, 4/2, Đại đội Hắc Báo và các Chi đoàn 2 và 3 của Thiết đoàn 7 Thiết giáp trực thuộc Sư đoàn và Chiến đoàn 1 Nhảy Dù gồm các Tiểu đoàn 2, 7 và 9 giữ vững Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh tại đồn Mang Cá và các khu vực lân cận xung quanh. Sau đó Trung đoàn 3 cùng với Chiến đoàn A Thủy quân Lục chiến Việt Nam Cộng hòa, 2 Tiểu đoàn Biệt động quân 21 và 39, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ giải tỏa thành công Cố đô Huế và truy quét quân của đối phương. Tháng 4/1968, Sư đoàn cùng với Sư đoàn 101 Không vận Hoa Kỳ mở một loạt chiến dịch truy quét phía tây Thừa Thiên, vùng thung lũng A Shầu.

Ngày 7/2/1969, Tiểu đoàn 2 phối hợp với Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 3 chạm súng nặng với một Trung đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam không rõ phiên hiệu tại tây bắc Thừa Thiên. Trung đoàn 3 tuyên bố đã gây tổn thất nặng cho trung đoàn đối phương với 247 tử trận và 11 tù binh, tịch thu được 109 vũ khí trong đó có 18 vũ khí cộng đồng, phía VNCH thương vong 57 tử trận và khoảng 200 bị thương.

Ngày 6/4/1969, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 2 phục kích một Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 304 Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tìm cách xâm nhập vào Gio Linh, gây thiệt hại cho đơn vị này với 55 chết và 7 tù binh, tịch thu 23 vũ khí cá nhân. Phía QLVNCH có 18 tử trận và 41 bị thương.

Tháng 5 năm 1969, Trung đoàn 3 cùng với Tiểu đoàn 2 và 4 của Trung đoàn 1 tham gia chiến dịch Apache Snow nằm trong 1 loạt các trận đánh ở các Cao điểm 900, 916, 935, 937, 991, đỉnh núi A Bia tại vùng thung lũng mắt xích A Shầu cùng với Sư đoàn 101 Không vận Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 2 và 4 tham gia hỗ trợ bảo vệ 2 căn cứ hỏa lực yểm trợ trực tiếp cho chiến dịch của Lữ đoàn 3 Nhảy dù Hoa Kỳ, còn Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 3 Bộ binh VNCH tham gia cuộc đột kích cuối cùng để chiếm ở Cao điểm 937 hay còn gọi là "Đồi thịt băm". Tiểu đoàn đã cùng lính dù Mỹ chiếm thành công đỉnh đồi 937 và cắm cờ lúc 10 giờ sáng ngày 20 tháng 5 năm 1969 trước khi bàn giao cho Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn 3 Nhảy dù Hoa Kỳ lúc 17 giờ chiều cùng ngày sau khi đánh bật đối phương khỏi ngọn đồi này.

Ngày 11/10/1969, Tiểu đoàn 4 thuộc Trung đoàn 3 Bộ binh VNCH tham gia giải vây 1 trại Lực lượng Đặc biệt tại tây bắc Thừa Thiên.

Ngày 24/11/1969, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 1 mở cuộc đột kích binh trạm 92, tuy nhiên lại chạm súng nặng nề với lực lượng bảo vệ binh trạm này, buộc phải rút lui mà không đạt được mục tiêu là phá hủy binh trạm này. Tuy nhiên tiểu đoàn 3 tuyên bố đã gây thương vong cho đối phương là 38 chết và 18 bị thương còn phía VNCH thương vong 8 chết và 11 bị thương.

Năm 1970, Sư đoàn tiếp nhận thêm Trung đoàn 54 Bộ binh độc lập và trở thành trung đoàn thứ tư của Sư đoàn.

Năm 1971, Sư đoàn tham gia chiến dịch Lam Sơn 719 với 3 Trung đoàn 1, 2 và 3 (Trung đoàn 54 không tham gia trận này mà ở lại bảo vệ vùng hậu cứ Thừa Thiên) với mục tiêu là phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh nhằm triệt tiêu con đường tiếp vận khổng lồ của Quân đội Bắc Việt vào chiến trường miền Nam với nhiều vũ khí tối tân đủ loại. Cùng tham gia chiến dịch còn có các Sư đoàn Nhảy dù, Thủy Quân Lục Chiến và Liên đoàn 1 Biệt động quân thuộc Quân đoàn I. Tiểu đoàn 2/2 do Trung tá Trần Ngọc Huế[2], sỹ quan có nhiều thành tích trong Tết Mậu Thân 1968 cùng với tiểu đoàn 4/2 được 120 trực thăng UH-1 Huey mang 1.200 quân không vận nhảy vào thị xã Tchépone để phá hủy các kho tàng chứa lương thực và vũ khí đủ loại của đối phương. Sau đó Sư đoàn chạm súng nặng nề với các Sư đoàn 2, 304, 308, 324B và các đơn vị tăng cường của đối phương với quân số lên đến hơn 40.000 quân đang tiến hành bao vây Sư đoàn. Trung đoàn 1 Bộ binh do Đại tá Nguyễn Văn Điềm chỉ huy bị vây khốn ở bãi đáp Lolo. Sau 10 ngày chiến đấu ác liệt trong điều kiện bị vây hãm và dưới dàn hỏa lực pháo binh khủng khiếp của phía quân đối phương, Trung đoàn 1 được di tản khẩn cấp bằng trực thăng UH-1 Huey và CH-47 Chinook. Tiểu đoàn 4/1 do Trung tá Lê Huấn[3] chỉ huy nhận lãnh trách nhiệm đoạn hậu cho Trung đoàn rút lui, Tiểu đoàn 4/1 chịu tổn thất nặng nề khi chỉ còn 63/600 tay súng về tới Việt Nam, nhiều trực thăng của Lục quân Hoa Kỳ cũng bị bắn hạ do lưới lửa từ các dàn pháo phòng không đủ tầm bao vây xung quanh khu vực. Cũng trong trận chiến này, Trung tá Huấn, viên tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 1 Bộ binh đã tử trận bên cạnh Tiểu đoàn phó và các sĩ quan, binh sĩ dưới quyền khác.

Sau khi về Việt Nam, Sư đoàn đã tham gia ngay hai cuộc hành quân Lam Sơn 720 và 810 cùng với Thủy quân Lục chiến Việt Nam giải tỏa Động A Tây do Trung đoàn 6 Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm đóng trước đó. Cuộc tái chiếm diễn ra ác liệt, sau 5 ngày chiến đấu, Động A Tây hoàn toàn được giải tỏa, phía VNCH thu hồi được hơn 100 thi hài quân đồng đội, tổn thất 116 tử trận và khoảng 300 bị thương, và tuyên bố phía đối phương có 402 tử trận (đếm xác) và 22 bị bắt làm tù binh, tịch thu 293 vũ khí cá nhân và 47 vũ khí cộng đồng. Ngày 26/6/1971, Đại đội Hắc Báo trực thuộc Sư đoàn tiến hành tấn công chớp nhoáng Binh trạm 106 tại thung lũng A Shầu, phá hủy các kho tàng chứa vũ khí và lương thực, tiêu diệt nhóm bảo vệ binh trạm này và rút ra thành công mà không phải chịu tổn thất nào. Cũng trong năm này, các đơn vị thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công khác ở vùng hỏa tuyến.

Ngày 1/10/1971, Sư đoàn 3 Bộ Binh Việt Nam Cộng hòa được thành lập, nhận lãnh trách nhiệm trấn đóng vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị thay thế cho Sư đoàn 1 Bộ binh lui về phòng thủ tiểu khu Thừa Thiên, Sư đoàn 1 nhận lệnh chuyển Trung đoàn 2 Bộ Binh đang trấn đóng ở giới tuyến làm nòng cốt của Sư đoàn 3 Bộ Binh.

Năm 1972, Sư đoàn tham gia Chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa, lúc này Trung đoàn 51 Bộ binh độc lập đang hoạt động ở vùng Quảng Đà (Quảng Nam-Đà Nẵng) được lệnh sáp nhập vào Sư đoàn, Sư đoàn chính thức có 4 trung đoàn trực thuộc gồm trung đoàn 1, 3, 51, 54 cho đến khi tan hàng năm 1975. Sư đoàn tham gia các chiến dịch tái chiếm một loạt cứ điểm, các điểm cao và thung lũng có thể quan sát toàn bộ tuyến chuyển vận huyết mạch của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào miền Nam, những trận đánh đẫm máu không kém hai Sư đoàn đang hoạt động ở phía bắc là Nhảy dù và Thủy quân Lục chiến đang tiến lên tái chiếm Cổ thành Quảng Trị.